Site icon BK8

Đạo diễn Nhâm Minh Hiền: “Nghệ thuật sẽ tẻ nhạt nếu vắng những giấc mơ”

Đạo diễn Nhâm Minh Hiền: "Nghệ thuật sẽ tẻ nhạt nếu vắng những giấc mơ" - Ảnh 1.

Đạo diễn Nhâm Minh Hiền là cái tên đang được nhắc tới gần đây, khi bộ phim Hạnh phúc bị đánh cắp của anh vừa phát sóng một số tập và đã đạt khoảng 100 triệu lượt xem trên VTV9, VieON và YouTube.

Nhân dịp này, báo Thể thao và văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với anh về hành trình làm nghệ thuật, cũng như quan niệm sống.

* “Hạnh phúc bị đánh cắp” có kịch bản gốc từ Hàn Quốc, vậy chúng ta hãy nói một chút về khâu tác giả kịch bản. Anh nghĩ gì về nhận định của một số đạo diễn, rằng khâu yếu nhất của điện ảnh, phim truyền hình lẫn sân khấu Việt Nam là biên kịch?

– Tôi nghĩ, câu hỏi này phải được trả lời một cách cẩn trọng và có lớp lang, bằng không sẽ dễ bị hiểu nhầm.

Trước tiên, với kịch bản Hạnh phúc bị đánh cắp, biên tập của chúng tôi vẫn giữ cốt truyện chính nhưng đã thay đổi để phù hợp với phông văn hóa Việt Nam, gần gũi với người Việt. Một chi tiết cơ bản nhất: Nghề chính trong phim là các nhà thiết kế áo hanbook, chúng tôi đổi thành nghề thêu trên nền áo dài – tranh vẽ thuần Việt. Ngoài ra, còn rất nhiều chi tiết khác, nên công sức của biên kịch và biên tập rất lớn.

Còn về trình độ của biên kịch Việt Nam gồm cả truyền hình lẫn điện ảnh, tôi thấy đã xuất hiện nhiều bạn viết tốt. Tuy nhiên, đặc thù của truyền hình Việt Nam hiện nay là cảnh liệu cơm gắp mắm của nhà sản xuất trong điều kiện kinh phí mình có. Có nhiều kịch bản viết rất hay, bay bổng. Nhưng khi đụng vào thực tế, kinh phí không cho phép chọn bối cảnh như kịch bản văn học, và đạo diễn buộc phải đổi bối cảnh, chỉnh sửa đường dây tâm lý và cả lời thoại cho phù hợp.

Chẳng hạn, tôi cũng đáp ứng được yêu cầu của nhiều nhà sản xuất vì tôi biết tính toán tiết kiệm chi phí cho họ. Cách của tôi là cùng tham gia viết kịch bản với biên kịch, từ đó chúng tôi mới biết rõ hoàn cảnh nào có thể làm được, hoàn cảnh nào không phù hợp với thực tế.

Trong Hạnh phúc bị đánh cắp, tôi chọn quay bối cảnh tại Đà Lạt thay vì ở TP.HCM hay một thành phố lớn khác. Lý do: Tôi đã sống ở Đà Lạt hơn 20 năm, có được sự giúp đỡ từ nhiều phía ở đó và nắm địa hình Đà Lạt trong tay. Trong khi thông thường người ta cần khoảng 60 người cho một ê-kíp quay dài hơi, thì tôi chỉ chắt lọc 30 người. Tôi hiểu rõ năng lực của dàn diễn viên trong phim nên đảm bảo được tốc độ quay 2,2 ngày/tập mà chất lượng phim đảm bảo. Kể vậy, để nói rằng vấn đề kịch bản là tối quan trọng. Và muốn làm phim phù hợp với bối cảnh hiện nay, rất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa đạo diễn, tác giả, biên tập.

* Là một người có nhiều năm kinh nghiệm, anh đánh giá sao về chất lượng phim cũng như thị trường phim ảnh tại Việt Nam gần đây?

– Chất lượng phim ngày càng tốt, nhiều bạn trẻ ngày nay cập nhật tốt xu thế ở cả dòng phim nghệ thuật lẫn thương mại – mà bằng chứng là thời gian gần đây nhiều gương mặt trẻ đoạt giải tại các liên hoan phim quốc tế. Nhu cầu xem phim Việt Nam rõ ràng cũng tăng mạnh trong khoảng 4 năm trở lại đây, đặc biệt là trên YouTube hoặc trên truyền hình trả tiền và không trả tiền. Phim điện ảnh hàng năm có hơn 50 phim ra rạp, dẫu chỉ có vài phim doanh thu hơn trăm tỷ nhưng cũng là chỉ dấu cho thấy khán giả muốn xem phim Việt Nam.

* Phim truyền hình “Thuyền giấy” do anh đạo diễn từng đoạt tới 4 giải Cánh diều Vàng. Ngoài ra, anh còn nhiều giải thưởng khác với truyền hình. Anh có một dự định nào cho phim điện ảnh không?

– Hiện tại, tôi quá bận rộn cho các việc như điều hành công ty riêng, đạo diễn, đồng biên kịch, kinh doanh nhà hàng, đi dạy. Nhưng dù sao, nghệ thuật sẽ rất tẻ nhạt nếu vắng bóng những giấc mơ. Tôi vẫn ấp ủ cho một ý tưởng kịch bản, kèm theo giấc mơ rằng tới một ngày phim của mình sẽ ra rạp. Bởi ước mơ chính là động lực để con người ta vươn tới phía trước.

* Nhìn lại, anh từng thành công rực rỡ trong vai trò diễn viên và sau đó là vai trò phó đạo diễn. Rồi bỗng dưng anh biến mất khỏi TP.HCM và lặng lẽ về phố núi Đà Lạt. Điều gì đã xảy ra với anh vậy?

– Vì tình yêu. Tôi rất yêu bà xã, và khi vợ không thể sắp xếp công việc để rời Đà Lạt về TP.HCM cùng tôi, thì tôi phải theo cô ấy về phố núi đầy sương và lãng mạn cho tình yêu lứa đôi (cười). Tôi đã bỏ tất cả làm lại từ 2 bàn tay trắng. Tôi xin vào làm việc cho Đài Truyền hình Lâm Đồng với mức lương thấp nhất – để rồi chạm tới mức lương cao nhất sau 9 năm học hỏi và miệt mài phấn đấu. Tôi cũng mang về cho Đài rất nhiều giải thưởng ở mảng phim tài liệu và phóng sự văn hóa. Nhưng đến một ngày, khi đã có 2 con, tôi lại nhận ra mình phải về với điện ảnh. Và tôi về lại quê nhà TP.HCM.

* Vậy theo anh, một người muốn đạt được thành công trong nghệ thuật cần điều gì?

– Học hành căn bản, nắm rõ tận tường tất cả các chi tiết công việc – đó là cách tốt nhất. Nghệ thuật mênh mông và ngẫu hứng nhưng phải đứng trên nền tảng kiến thức căn bản thì mới đi xa được.

* Cuối cùng, xung quanh anh biết bao bóng hồng nhưng anh hầu như chưa vướng thị phi. Bí quyết của anh là gì?

– Nói chính xác hơn là chưa rớt vào drama chứ không dám xác định là không. Ai biết được ngày mai mình sẽ đối mặt với những gì. Tôi không dám tự hào về điều đó và không dám tự tin dạy ai về đạo lý làm người.

Còn lý do mà giờ tôi chưa bị tai tiếng có lẽ vì tôi có quá nhiều công việc, đốt hết năng lượng nên không còn thời gian cho việc vui chơi và cũng né được những kịch tính ngoài đời thường.

* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện!

Nhâm Minh Hiền sinh năm 1972 tại TP.HCM, từng thi đỗ vào Đại học Luật và Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM. Năm 19 tuổi, anh được chọn vào vai chính phim Những đứa con của thần linh đạo diễn NSND Đào Bá Sơn; sau đó anh vào vai thứ chính trong phim Hiệp sĩ cuối cùng. Anh tỏa sáng với vai chính phim Nước mắt giang hồ (đạo diễn NSƯT Vinh Sơn).

Exit mobile version