Site icon BK8

Góc nhìn 365: Khoảng trống của cây xanh

Góc nhìn 365: Khoảng trống của cây xanh - Ảnh 1.

Điều gì được người dân Hà Nội nhắc tới nhiều nhất trong những ngày này, khi bão Yagi vừa đi qua? Có lẽ, đó sẽ là – và phải là – 2 chữ “cây xanh”. Từ mặt báo, mạng xã hội cho tới những câu chuyện hàng ngày, chúng ta đang liên tục bắt gặp cụm từ ấy, kèm theo những hình ảnh và chia sẻ đầy tiếc nuối.

Như những thống kê mới nhất, bão Yagi đã khiến gần 25.000 cây xanh tại Hà Nội bị đổ – trong đó có không ít trường hợp vốn rất quen thuộc với cộng đồng.

Ngay từ thời điểm bão Yagi còn chưa tan trong tối 7/9, thông tin về những cây cổ thụ bị bật gốc tại Hà Nội đã liên tục lan truyền trên không gian mạng.

Đó là một trong những cây si đẹp nhất tại khu phố cổ khi nằm đúng ở góc giao 2 trục phố Chả Cá- Hàng Cá. Hoặc, là cây cổ thụ phía trước Nhà thờ Lớn với những chùm rễ cây sà xuống từ trên cao, từng tạo ra góc nhìn rất độc đáo cho những “tín đồ check-in” tại không gian này. Rồi, cũng phải kể tới cây sưa tại vòng xuyến phố Điện Biên Phủ – chùa Một Cột, vốn là trung tâm thu hút những người thích chụp ảnh trong mùa hoa sưa.

Hoặc nữa,đó là cây mít trên đường Kim Mã, rất sai quả nhưng từng được gọi vui là cây mít “an toàn nhất Việt Nam” – khi những quả mít chưa bao giờ bị mất vì cây nằm cạnh bót gác của trụ sở Liên hợp quốc tại Hà Nội. Rồi, đó là cây đa cổ thụ phía sau đền Bà Kiệu – vốn là một cặp đối xứng với cây đa lớn phía trước; là những thân cây trên phố Phan Đình Phùng, con phố có nhiều cây xanh nhất của Thủ đô…

Và cũng không cứ là những cây cổ thụ quá lâu năm. Cảnh gãy đổ của những hàng cây xanh tại các góc phố hay khu đô thị ven đô cũng đủ làm nhiều người ngỡ ngàng khi nhìn những khoảng trống mới lộ ra trên vỉa hè. Khoảng trống ấy, như chia sẻ của nhiều người, vừa “vô duyên”, vừa gắn với chút hụt hẫng khi ta thấy thiếu đi chút thân quen từng có…

***

Những năm gần đây, bảo vệ cây xanh luôn là lĩnh vực được người dân Hà Nội quan tâm. Một mặt, điều ấy gắn với sự phát triển tất yếu của nhận thức xã hội – khi những vấn đề về an sinh và môi trường ngày càng được chú trọng. Mặt khác, giống như bất cứ đô thị nào, chỉ cần tồn tại trong một thời gian đủ lâu, cây xanh cũng sớm trở thành biểu trưng cho tài sản chung hay cho những tiện ích công cộng của thành phố.

Trong bối cảnh đó, những chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo Hà Nội về việc nỗ lực tối đa để cứu và trồng lại những cây xanh gãy đổ sau bão – đặc biệt là những cây cổ thụ – phần nào có thể khiến người dân thành phố lạc quan hơn sau những gì vừa trải qua.

Còn về lâu dài, liệu có thể hy vọng: Những tiếc nuối về lượng cây xanh vừa mất đi sẽ mang lại cho người dân thành phố một bước tiến mới về nhận thức – không chỉ ở việc bảo vệ cây hay “lấp đầy” những khoảng trống về cây xanh vừa lộ ra sau bão, mà còn ở việc nhân rộng những mảng xanh mới trong đô thị?

Bởi rõ ràng, đó là câu chuyện cần tới thời gian, và cả nguồn lực rất lớn – không chỉ ở Nhà nước mà chắc chắn phải từ cộng đồng.

Exit mobile version