Site icon BK8

“Kinh tế di sản” trong xây dựng “Công nghiệp văn hóa” (kỳ 4& hết): Không “hy sinh” di sản để phát triển kinh tế

"Kinh tế di sản" trong xây dựng "Công nghiệp văn hóa" (kỳ 4& hết): Không "hy sinh" di sản để phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Trong bài trước, chúng ta đã nói về việc b

Hiện nay, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các loại hình du lịch phát triển khá mạnh. Du lịch tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.

Khi cộng đồng tham gia vào các chuỗi du lịch

Trước hết, du lịch di sản góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch. Người Dao ở các xã Tả Phìn, Tả Van, Nậm Cang… của huyện Sa Pa đã chuyển từ độc canh cây lúa sang làm du lịch. Mỗi năm, các điểm du lịch của người Dao đón hơn 4 vạn du khách. Tổng nguồn thu ước đạt hơn 20 tỷ đồng. Năm 2017, thu nhập bình quân từ du lịch di sản người Dao ở Tả Phìn, Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai mỗi hộ từ 25 đến 60 triệu đồng, nhưng đến năm 2019, các hộ làm du lịch có thu nhập bình quân đạt từ 50 đến 75 triệu đồng.

Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc… đã quy hoạch và xây dựng các di tích trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành các điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Hệ thống cơ sở hạ tầng gắn với các điểm du lịch đều được xây dựng bãi đỗ xe, sân hành lễ, các cửa hàng dịch vụ… Nhờ vậy, lượng khách đến các điểm du lịch tăng nhanh.

Trước khi được quy hoạch xây dựng điểm du lịch, đền Bảo Hà chỉ thu được 6 tỷ đồng, đền Đông Cuông thu 5 tỷ đồng, các di tích thờ Mẫu ở Tuyên Quang chỉ thu được chưa đầy 10 tỷ đồng… Nhưng sau 2 năm thực hiện xây dựng điểm du lịch tâm linh, chuyển đổi mô hình quản lý, tăng cường xúc tiến quảng bá, các điểm du lịch tâm linh đã có nguồn thu tăng đột biến.

Năm 2019, điểm du lịch di tích quốc gia đền Bảo Hà ở vùng người Tày, người Dao huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai thu 45 tỷ đồng; các điểm du lịch tâm linh ở các huyện và thành phố của tỉnh Tuyên Quang thu hơn 30 tỷ đồng; điểm du lịch ở di tích quốc gia đền Đông Cuông năm 2019 thu gần 20 tỷ đồng v.v…

Nguồn thu lớn của các điểm du lịch đã hỗ trợ cho việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử ở trong vùng. Kinh phí trùng tu các di tích ở Lào Cai, Yên Bái đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, nhưng nhờ có nguồn thu từ các điểm du lịch tâm linh tăng cao đã đáp ứng kinh phí cho trùng tu nhiều hạng mục công trình của các di tích. Riêng ở tỉnh Lào Cai, hệ thống một số đền liên quan đến di tích Ông Hoàng Bảy cũng được hỗ trợ kinh phí trùng tu.

Quá trình “hàng hóa hóa” di sản

Bên cạnh các ảnh hưởng tích cực, du lịch di sản còn có tác động tiêu cực đến di sản. Tất cả các di sản khi muốn trở thành sản phẩm du lịch đều phải trải qua một quá trình đặc biệt. Đó là quá trình “hàng hóa hóa” di sản.

Một tấm thổ cẩm mặt chăn của người Thái muốn bán được cho du khách thì phải chế biến thành các túi đeo, túi đựng điện thoại, vỏ gối… Nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, người Dao muốn trở thành sản phẩm du lịch cũng phải được sân khấu hóa, cắt gọt phần nghi lễ, bỏ không gian thiêng, tách phần nhảy lửa khỏi tổng thể tín ngưỡng mà chỉ còn tiết mục văn nghệ nhỏ lẻ là diễn xướng nhảy lửa.

Như vậy, quá trình “hàng hóa hóa”, “thương mại hóa” di sản đã quy định sự “sản xuất”, biến di sản thành các sản phẩm du lịch. Quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, chu kỳ hoạt động của di sản mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách. Vì thế, các trích đoạn lễ cưới được diễn ra thường xuyên, quanh năm ngày tháng, trích đoạn lễ hội té nước không chỉ diễn ra trong ngày Tết người Lào, người Lự mà thường xuyên tổ chức quanh năm.

Quy trình “hàng hóa hóa” làm vừa lòng du khách, đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách đã dẫn đến sự biến dạng của di sản. Có di sản tín ngưỡng mất hẳn không gian thiêng, trở thành trò biểu diễn đơn thuần. Không gian thiêng đã mất, thời gian thiêng không còn, thì di sản cũng bị giải thiêng, không còn vai trò của di sản.

Một số điểm du lịch có giá trị về tâm linh, giá trị về nghệ thuật trở thành quá tải khi lượng khách đến đông. Các lễ hội của thôn bản xưa chỉ đón khách ở thôn bản hoặc một số khách không nhiều của cả vùng. Nhưng hiện nay, các di sản này không tính đến sức chứa của điểm du lịch, phát triển quá nóng dẫn đến luồng khách hành hương ồ ạt đổ về một điểm du lịch có không gian hẹp.

Một số du khách không tuân theo chuẩn mực, quy tắc ứng xử của thôn làng đối với các vật thiêng. Họ tranh cướp vật thiêng dẫn đến lễ hội không tổ chức được. Một số lễ hội chưa chuẩn bị sẵn sàng (hoặc không dự báo được lượng khách tăng đột biến quá lớn) dẫn đến tình trạng quá tải, hệ thống dịch vụ bị phá vỡ hoặc không đáp ứng nổi nhu cầu của du khách. Lễ hội tổ chức chưa đến đỉnh điểm đã “vỡ hội”.

Sự quá tải của các điểm du lịch tâm linh còn gây ra nhiều hậu quả về môi trường, về nếp sống văn hóa đối với cư dân bản địa…

Trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm… vấn đề quan trọng hàng đầu là phải đề cao vai trò của chủ nhân di sản. Nhưng hiện nay ở các làng bản, đồng bào dân tộc thiểu số giàu tài nguyên du lịch nhưng phần lớn là người dân nghèo, lại thiếu vốn để kinh doanh du lịch. Các doanh nghiệp đã đổ xô đến các điểm giàu tài nguyên chỉ đầu tư một ít cho dịch vụ, cơ sở hạ tầng. Họ thu nguồn vốn rất lớn nhưng người dân – chủ nhân của di sản chỉ được hưởng lợi với tỷ lệ rất thấp.

Điển hình như làng Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, mỗi năm họ lập trạm kiểm soát bán vé thu hàng tỷ đồng, nhưng số tiền người dân được hưởng lợi chỉ có vài trăm triệu, sản xuất các sản phẩm du lịch. Sự chia sẻ lợi ích không công bằng giữa doanh nghiệp và cộng đồng ở nhiều điểm du lịch diễn ra thường xuyên gây mâu thuẫn giữa người dân và các đối tác.

Không phát triển du lịch di sản kiểu “đại trà”

Bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch di sản là vấn đề quan trọng, đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế – xã hội hiện nay.

Ngoài việc ban hành các thể chế, hoạch định chính sách quản lý, về mặt quy hoạch, các địa phương tiến hành xây dựng quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng, du lịch di sản, tránh tình trạng có tỉnh quy hoạch đến 70 làng văn hóa du lịch, từ năm 2005 đến nay chỉ có 7 làng có quy hoạch và phát triển. Đồng thời không để người dân tự phát, tự xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, các homestay.

Một số di tích, di sản đặc thù dễ tổn thương, biến dạng trong quá trình phát triển du lịch thì mạnh dạn không phát triển du lịch tại điểm di tích, di sản đó. Trong quy hoạch du lịch phải đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp của di sản văn hóa phi vật thể.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo các nguyên tắc trong xây dựng sản phẩm du lịch. Trước hết, sản phẩm du lịch phải mang được cái hồn của văn hóa dân gian, có nhiều yếu tố đặc sắc, đặc thù cho từng tộc người, từng vùng miền khác nhau (đặc sắc về không gian, thời gian, tộc người, lịch sử…). Sản phẩm mang tính đặc sắc, đặc thù mới khắc phục tình trạng sản phẩm du lịch na ná giống nhau hiện nay. Có tính đặc thù, có điểm mới mới làm giàu cho sản phẩm và có tính cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc thiểu số kiên quyết chống hàng giả, hàng “nhái”. Các chương trình văn nghệ, các nghi lễ trình diễn, các sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số phải tôn trọng tính khách quan, chân thực của bản sắc tộc người. Đồng thời, tuyệt đối không làm giả các sinh hoạt văn hóa truyền thống nhằm mục đích thu hút khách.

Xây dựng các điểm du lịch di sản là công việc hoàn toàn mới mẻ đối với người dân. Đây là lĩnh vực kinh doanh phức tạp. Nhiều điểm du lịch di sản được xây dựng xong lại bỏ hoang, nhưng nhiều điểm du lịch di sản hoạt động hiệu quả ngày càng phát triển. Vì vậy xây dựng du lịch di sản cần có sự kết hợp của bốn “nhà”: cộng đồng – doanh nghiệp – các nhà tư vấn – và chính quyền địa phương. Trong đó cần chú ý đến vai trò chủ động của cộng đồng. Cộng đồng là chủ nhân của điểm du lịch cần phải tự nguyện tham gia một cách sáng tạo, cần xây dựng một ban quản lý hiệu quả có quy chế hoạt động thiết thực, dân chủ. Cộng đồng là chủ nhân cho nên phải được hưởng lợi phù hợp, tránh tình trạng “người chủ” thì nghèo mà doanh nghiệp đưa khách đến lại giàu có.

Phát triển du lịch di sản ở vùng các dân tộc thiểu số là một động lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhưng muốn phát triển du lịch di sản hiệu quả đòi hỏi phải bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tộc người để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù phù hợp từng vùng, không phát triển du lịch di sản phong trào theo kiểu “đại trà” mà cần phát triển theo hướng bền vững có quy hoạch có chọn lọc. Mặt khác phát triển du lịch di sản phải được nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn phù hợp với từng đối tượng du khách. Các sản phẩm du lịch này phải mang bản sắc riêng dựa trên tài nguyên du lịch ở từng địa phương, tránh tình trạng “na ná” giống nhau như hiện nay. Vùng dân tộc thiểu số cũng cần phải xây dựng một chiến lược phát triển du lịch di sản hiệu quả, có những chính sách, cơ chế mang tính đặc thù.

Bên cạnh những mặt trái, cũng cần nhìn rõ một điểm tích cực của phát triển du lịch, khi nhiều di sản văn hóa bị mai một đã được phục hồi nhờ điều này.Đó là nghề làm thuốc của người Dao, nghề thêu dệt thổ cẩm của người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình); người Mông, người Dao ở Sa Pa (Lào Cai); người Mông, người Pà Thẻn ở Hà Giang; người Tà Ôi ở Thừa Thiên – Huế, người Chăm ở Ninh Thuận… Du lịch đã khơi dậy niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc, người dân biết quý trọng di sản, từ di sản đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn.

Exit mobile version